Khoai tây là cây trồng lý tưởng cho vụ đông ở Đồng bằng sông Hồng. Cây khoai tây có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ bố trí thời vụ trồng trong vụ đông. Chỉ sau 90 ngày trồng khoai tây có thể cho tới 20-25 tấn sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ sử dụng và thương mại hóa điều mà các cây trồng khác khó có thể đạt được.
Tuy nhiên thực tế sản xuất khoai tây ở Việt Nam chưa phản ánh đúng ưu thế của loại cây quan trọng này. Diện tích trồng khoai tây còn rất khiêm tốn, chỉ vào khoảng 30.000-40.000 ha trong khi tiềm năng thực sự có thể đạt đến 200.000 ha ở Đồng bằng sông Hồng.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do:
- Đầu ra cho sản phẩm khoai tây không ổn định.
- Chưa có hệ thống sản xuất củ giống sạch bệnh để chủ động cung cấp giống chất lượng cao cho sản xuất. Gần 70% lượng giống đang sử dụng được nhập nội chủ yếu theo con đường không chính thức từ Trung Quốc có chất lượng kém, mang theo nhiều nguồn bệnh nguy hiểm.
Trong những năm gần đây, một số công ty của Hàn Quốc (Orion), Hoa Kì (Pepsico) đã đầu tư vào Việt Nam xây dựng các nhà máy chế biến khoai tây tại Bình Dương và Yên Phong – Bắc Ninh. Nhu cầu về khoai tây chế biến của các nhà máy là rất lớn và tăng dần qua các năm. Điều này mở ra thị trường tiêu thụ ổn định cho những người sản xuất khoai tây ở Việt Nam. Tuy nhiên, giống khoai tây phục vụ chế biến (giống Atlantic) hoàn toàn phải nhập nội với giá thành cao. Nắm bắt thực trạng này, dự án hợp tác giữa Viện Sinh học Nông nghiệp (IAB) - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (HUA) với Viện Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IIRD) - Trường Đại học KangWon (KNU) – Hàn Quốc và Công ty thực phẩm Orion Việt Nam nhằm phát triển khoai tây chế biến đã được kí kết.
Nội dung của dự án tập trung giải quyết những tồn tại mấu chốt trong sự phát triển ngành sản xuất khoai tây Việt Nam, thông qua đối tượng chủ yếu là giống khoai tây chế biến. Có thể nói đây là mô hình khá điển hình về nhiều mặt: hợp tác Quốc tế, hợp tác giữa Nhà doanh nghiệp - Nhà Khoa học và người nông dân. Sản xuất khoai tây chế biến đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển khoai tây ở Việt Nam - sản xuất nông sản hàng hóa phục vụ công nghiệp chế biến dựa trên nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Dự án qua hai năm thực hiện đã thu được các nhà nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đầu tư chế biến đã mở ra một hướng đi mới cho cây khoai tây thông qua phát triển khoai tây chế biến.
Điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển của khoai tây chế biến ở Việt Nam chính là thông qua Viện Sinh học Nông nghiệp, doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất với nông dân và cũng chính đội ngũ chuyên gia thuộc Viện Sinh học Nông nghiệp lại chỉ dẫn kỹ thuật sản xuất khoai tây thương phẩm cho người dân. Sự hợp tác giữa cơ quan nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học – doanh nghiệp và nông dân đã giải quyết những khâu then chốt trong phát triển khoai tây chế biến ở Việt Nam. Chúng ta đã tự chủ trong sản xuất khoai tây giống chất lượng cao thay thế cho giống nhập nội; phát triển khoai tây chế biến, tạo đầu ra chủ động, ổn định cho cây khoai tây thông qua hợp đồng giữa nhà máy và nông dân, từ đó giúp nâng cao thu nhập của người trồng khoai.
Trong bối cảnh cây khoai tây đang dần bị giảm sút về cả chất lượng và diện tích trồng thì dự án hợp tác giữa Viện Sinh học Nông nghiệp (IAB) và Viện Nghiên cứu phát triển Nông nghiệp quốc tế (IIRD) là một sự hợp tác quốc tế phù hợp, cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Viện Sinh học Nông nghiệp đã tiến hành khảo sát các giống khoai tây chế biến mới nhập nội (8 giống khoai tây nhập nội Chipperta, Marcy, Megachip, Laichipper, Atlantic, Beacar chipper, NY 115, Dacota Diamond) và nhận thấy so với tập đoàn giống trên, Atlantic là giống có năng suất ở mức khá cao (23.0 tấn/ha), hàm lượng chất khô ở mức cao (24.05), hàm lượng đường khử ở mức trung bình (0.31%). Xác định đây là giống hứa hẹn cho sản xuất khoai tây chế biến, Viện Sinh học Nông nghiệp đã tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sản xuất giống Atlantic (nghiên cứu các ảnh hưởng của phân bón hữu cơ, lượng đạm bón, ảnh hưởng của mật độ trồng, thời vụ, thời gian thu hoạch đến sinh trưởng và năng suất khoai tây Atlantic) cũng như triển khai sản xuất khoai Atlantic thương phẩm tại địa phương (Lạng Sơn Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hải Dương).
Niềm vui của nông dân khi thu hoạch khoai tây
Sau 3 năm nghiên cứu và triển khai, chúng ta có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trên bản đồ diện tích trồng khoai Atlantic thương phẩm ở Việt Nam. Năm 2007 diện tích trồng khoai Atlantic thương phẩm chỉ là 64 ha đã tăng lên 149,6 ha năm 2008 và năm 2009 tăng đạt 345 ha. Sự tăng nhanh về diện tích trồng khoai tây thương phẩm ở Việt Nam đang mở ra hướng phát triển cho nhiều vùng trồng khoai trên cả nước (Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang,…). Điển hình như ở Yên Phong – Bắc Ninh, từ 0.5ha trồng khoai năm 2005,sau 3 năm đã có diện tích trồng lên tới 20 ha. Theo chương trình chủ động phát triển giống khoai tây chế biến của Viện Sinh học Nông nghiệp, đến năm 2012, Đà Lạt sẽ ngừng nhập khẩu giống và năm 2013 sẽ dừng nhập khẩu giống tại miền Bắc.
sự hợp tác quốc tế giữa hai Viện nghiên cứu, giữa cơ quan nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và giữa cơ quan khoa học, doanh nghiệp và người nông dân đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho sự phát triển khoai tây ở Việt Nam thông qua phát triển khoai tây chế biến. Dự án đã xây dựng thành công hệ thống sản xuất giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu giống sạch bệnh cho thị trường, thiết lập mối quan hệ mật thiết giữ người trồng khoai và cơ sở chế biến, từ đó chủ động tìm đầu ra ổn định cho cây khoai tây, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao hiệu quả đời sống người dân.
Nguồn: Viện Sinh học Nông nghiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét