- Internet không phải là kho tài nguyên vô tận: Theo thống kê của Google, trong tổng số hơn 4 tỷ trang web tồn tại trên Internet, có hơn 1 tỉ trang không thể nào tiếp cận được. Những trang web này mặc dù vẫn được đưa ra trên kết quả tìm kiếm, nhưng không hiển thị được thông tin. Hơn nữa, rất hiếm tài nguyên thông tin có giá trị được cung cấp miễn phí trên Internet. Số tạp chí được đưa lên Internet chỉ chiếm khoảng 8% và số lượng sách còn ít hơn rất nhiều. Tất cả những tài nguyên đó đều có giá rất đắt. Để có được những tạp chí như Journal of Biochemistry, Physics Today, Journal of American History và những cuốn sách đã được giới thiệu trên Internet, người ta sẽ phải trả một số tiền rất lớn, thậm chí lên tới hàng triệu USD.
- Tìm kiếm trên Internet - Tìm kim đáy biển: Internet giống như một kho khổng lồ hỗn độn không được tổ chức và sắp xếp. Người ta không thể tìm thấy tất cả mọi thứ cho dù có sử dụng hàng loạt các bộ máy tìm kiếm lớn. Hơn nữa, những kết quả tìm thấy không được cập nhật thường xuyên theo định kỳ đúng như những lời quảng cáo, kết quả là không làm thỏa mãn được nhu cầu của người dùng tin, nhưng điều này chẳng mấy ai để tâm.
- Không được kiểm soát: Trái với ở Thư viện, nơi những ấn phẩm không có giá trị (những thông tin rác) rất ít khi được sưu tầm, còn trên Internet, người ta có thể đưa tất tả mọi thứ lên. Mọi thông tin đăng tải trên Web cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một sự giám sát nào. Điều này vô cùng tai hại, nhất là đối với lớp trẻ, khi họ chưa được giáo dục cẩn thận.
- Thường có những thiếu sót nghiêm trọng: Số hoá các tạp chí là một lợi thế lớn cho Thư viện. Tuy nhiên, không phải mọi thông tin cần thiết đều được đưa lên trang Web, nhất là phần ghi chú. Ngoài ra, các bảng, biểu đồ hay công thức trong các bài tạp chí thường không hiển thị đúng, đặc biệt khi in ra. Có trường hợp các bài trong tạp chí được số hóa không thật sự giống các bài đã được in và xuất bản theo cách truyền thống. Đây là một trong các trở ngại mang tính pháp lý của nguồn sử dụng.
- Chi phí cao và bị ngăn cản khi muốn chia sẻ tài nguyên: Do không có những quy định và giới hạn về luật bản quyền, nên đôi khi một tư liệu số hoá được nâng giá thành cao gấp hai hay ba lần so với giá của bản in. Hơn nữa, các nhà cung cấp thường chỉ cho phép một quyền truy cập vào tư liệu số. Nếu như có người đang sử dụng một tư liệu nào đó thì những người khác sẽ không thể truy cập được. Thậm chí, khi trễ hạn, người sử dụng sẽ bị phạt tiền ngay lập tức mà không hề có cơ hội trình bày nguyên do.
- Giới hạn trong việc sử dụng phần mềm: Khi sử dụng một phần mềm để đọc các loại tài liệu điện tử trong nhiều giờ, kết quả rõ nét nhất chính là sự mỏi mắt và bệnh nhức đầu. Bên cạnh đó, nếu tư liệu có nhiều trang và phải in ra để đọc thì quả là một sự lãng phí rất lớn. Thực tế cho thấy, phần mềm hỗ trợ càng rẻ thì chất lượng sử dụng càng kém và có tác hại đến sức khỏe người dùng càng lớn.
- Internet: Mêng mông nhưng không bền lâu: Những thông tin trên Internet ít khi được lưu trữ trên 15 năm. Các nhà cung cấp thường xuyên thay thế những tư liệu mới đồng thời xoá bỏ những tư liệu cũ. Để truy cập vào những tư liệu cũ ấy, người ta lại phải trả thêm những khoản tiền lớn khác nữa. Điều này rất bất cập đối với các nhà nghiên cứu và sinh viên, vì việc nghiên cứu không thể chỉ thực hiện trong những tài liệu được xuất bản trong vòng 10 – 15 năm qua. Trong khi đó, Thư viện vẫn là nơi lưu trữ có thời gian vô tận từ thế hệ này qua thế hệ khác.
- Tốn kinh phí đầu tư cho số hoá tư liệu: Một điều hiển nhiên là khi thực hiện xây dựng bộ sưu tập số để đưa lên trang Web, nguồn kinh phí phải bỏ ra cho số hóa tài liệu sẽ lớn không thể tưởng tượng nổi, có khi phải chi ra hàng chục ngàn USD để mua bản quyền một phiên bản tư liệu. Công ty truyền thông Questia Media được trang bị hiện đại cũng phải mất tới 125 triệu USD để số hóa 50.000 cuốn sách được phát hành trong tháng Giêng. Với mức chi phí như vậy, để số hóa một bộ sưu tập loại vừa với khoảng 40.000 tài liệu, người ta phải chi ra một khoản kinh phí khoảng 1.000.000.000 USD, đồng thời cũng phải đảm bảo để mọi người đều có thể truy cập vào bộ sưu tập mọi lúc mọi nơi. Đó là chưa kể nguồn năng lượng điện cho truy cập lấy tư liệu.
- Hạn chế tài nguyên và cơ sở để xây dựng bộ sưu tập số: Cho đến thời điểm hiện nay người ta vẫn chưa thể xây dựng được một bộ sưu tập mà trong đó chỉ gồm có các tư liệu số. Việc thu thập các tài liệu in vẫn chiếm ưu thế, vì không phải tất cả các tài liệu cần thiết về một lĩnh vực nào đó đều có ở trên trang Web.
- Sự bất tiện của Internet: Kết quả nghiên cứu gần đây của đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill cho thấy, hơn 80% khách hàng sách cho rằng họ thích mua những cuốn sách được xuất bản ở dạng in truyền thống qua phương thức giao dịch điện tử hơn là mua sách điện tử, để rồi phải đọc chúng trên mạng Internet với các yêu cầu kỹ thuật đi kèm.
Với các lý do trên, mặc dù số người truy cập thông tin qua Internet nhiều hơn Thư viện. Nhưng Internet không thể thay thế cho hoạt động trực tiếp của con người tới đọc sách ở Thư viện. Thư viện và dịch vụ Internet song hành tồn tại và hỗ trợ lẫn nhau. Với lịch sử gần 1.000 năm in ấn phát hành, chúng ta cũng đã coi việc đọc sách là một hoạt động mang tính nhân bản. Một điều chắc chắn là mọi người vẫn luôn cầm và đọc sách chứ không phải là một máy tính. Người ta có thể mang theo sách đi bất kỳ một nơi nào mà không cần phải quan tâm đến các điều kiện khác để truy cập vào Internet. Cho đến nay, Thư viện vẫn là nguồn cung cấp thông tin có giá trị và đáng tin cậy nhất đối với tất cả mọi người. Số liệu điều tra trên cũng cho thấy, hơn 96% số người sử dụng Thư viện vẫn tiếp tục đến Thư viện.
Tuy nhiên Internet vẫn là một đối thủ đáng gờm của Thư viện và công cụ tra cứu vẫn là dịch vụ hữu ích nhất. Nhưng để thu thập thông tin từ các nguồn khác thì người sử dụng sẽ phải mất thêm khoảng 85% thời gian so với sử dụng Thư viện. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, lợi ích thực do các Thư viện mang lại cho các khách hàng là tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ giờ đồng hồ và 35,8 tỷ đô la mỗi năm. Trong đó, truy cập trực tuyến từ xa tiết kiệm khoảng 790 triệu giờ và 10,9 tỷ đô la. Truy cập trực tuyến gần tiết kiệm 170 triệu giờ và 7,1 tỷ đô la. Những truy cập không trực tiếp khác tiết kiệm được 460 triệu giờ và 18 tỷ đô la [4]. Rõ ràng các Thư viện đã giúp người sử dụng tiết kiệm được một lượng thời gian và tiền bạc đáng kể.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Thư viện sẽ vẫn tồn tại và phát triển trong thế giới số, nhưng ở một dạng khác cao hơn, đó là Thư viện số. Các chức năng cơ bản của Thư viện số vẫn giống như Thư viện truyền thống, bao gồm: Phân loại, lưu trữ, bảo vệ, tìm kiếm, truy xuất thông tin, nhưng khác chăng là ở công nghệ, nghĩa là, dưới dạng số và được truy cập thông qua máy tính. Khác với Internet, trong Thư viện số các sưu tập thông tin số được tổ chức, quản lý và tạo khả năng truy cập thuận tiện cho người sử dụng.
Với sự trợ giúp của công nghệ mạng Internet người sử dụng Thư viện số ở khắp nơi trên thế giới có thể truy cập cùng một thông tin mà không cần phải đi đến Thư viện. Mọi người có thể truy cập thông tin ở bất cứ nơi nào và bất kể thời gian nào. Người sử dụng có thể truy xuất tài liệu cần tìm nhanh chóng thông qua cấu trúc và giao diện thiết kế của Thư viện số. Một Thư viện số có thể cung cấp đường dẫn tới bất cứ một nguồn tài liệu, thông tin nào của một Thư viện số khác. Trong tương lai Thư viện số sẽ trở thành công cụ hữu hiệu đưa loài người tới tiến bộ nhân loại. Hoạt động thư viện - đặc biệt là các dịch vụ thư viện - sẽ rất hữu ích cho những ai có phương tiện mà không biết khai thác, có kinh phí mà không biết sử dụng thích đáng; đặc biệt là không biết khai thác các phương tiện tìm tin hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét